Lượt xem: 5407

Truyền thống vẻ vang của học sinh, sinh viên Việt Nam

Từ cuối năm 1949 đến năm 1950, phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên diễn ra rầm rộ, liên tục và rộng khắp từ Nam chí Bắc. Đó là các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, chống “độc lập” giả hiệu, chống khủng bố đàn áp, đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, đòi được học bằng tiếng mẹ đẻ…

    Ở Hà Nội, Thành uỷ trực tiếp chỉ đạo Thành đoàn và tổ chức học sinh kháng chiến vận động phong trào bãi khoá của hơn 4 ngàn học sinh, sinh viên đại học, học sinh học nghề kéo dài 12 ngày, kết thúc thắng lợi tạo nên tiếng vang lớn trong phong trào đấu tranh của nhân dân vùng địch tạm chiếm và được sự hưởng ứng mạnh mẽ của học sinh, sinh viên trong cả nước.


Học sinh-sinh viên xuống đường biểu tình ngày 09/1/1950 - Ảnh tư liệu

    Tại Sài Gòn, được sự lãnh đạo của Thành uỷ, từ cuối năm 1949, cuộc đấu tranh của thanh niên, học sinh toàn thành phố ngày càng trở nên sôi động, quyết liệt. 

    Ngày 09-01-1950, Liên đoàn Thanh niên Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường Pétrus Ký, Gia Long, Nguyễn Văn Khuê, Huỳnh Khương Ninh, Trường Trung học Pháp - Việt, Chesseloup Laubat, Marie Curie, Taberd, Lê Bá Cang, Mỹ thuật Gia Định và các trường Đại học Y, Dược, Pháp lý, các trường chuyên nghiệp vô tuyến điện, công chính, kỹ thuật, khoa học… cùng nhiều giáo viên và hơn 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi bảo đảm an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt. Đoàn biểu tình kéo đến Nha học chính và Dinh thủ hiến bù nhìn để đưa yêu sách.

    Cuộc biểu tình mỗi lúc một đông thêm. Đoàn người kéo đến dinh thủ hiến Trần Văn Hữu. Đi đầu đoàn biểu tình là học sinh Trần Văn Ơn - một trong những người lãnh đạo phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn. Anh đã bất chấp sự đàn áp của cảnh sát động viên mọi người giữ vững hàng ngũ và liên tục, xông xáo cứu đồng đội khỏi bị bắt. Trong lúc lăn xả vào cứu một nữ sinh bị cảnh sát bắt, anh bị một tên Pháp chĩa súng bắn vào mặt. Trần Văn Ơn ngã xuống trên đường phố Sài Gòn và anh dũng hy sinh lúc 3 giờ 25 phút ngày 09-01-1950.


Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với các đại biểu dự Hội nghị sinh viên quốc tế tại Hà Nội, tháng 9 năm 1961 - Ảnh tư liệu

 

    Thanh niên và nhân dân cả nước vô cùng căm phẫn và cực lực lên án cuộc tàn sát dã man học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn của giặc Pháp, ngày 10-01-1950, hơn 500 ngàn học sinh sinh viên, giáo chức và các tầng lớp nhân dân lao động thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn không họp chợ, không làm việc, không tới trường, để đi đưa tang Trần Văn Ơn. Đám tang trở thành cuộc biểu tình tố cáo tội ác của ngụy quyền Sài Gòn trước công luận trong nước và thế giới.

    Đây là cuộc biểu dương lực lượng khổng lồ chưa từng có của học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn trước mũi súng quân thù.

    Ủng hộ cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn, ngày 11-01-1950, hơn 40 ngàn học sinh, sinh viên thành phố Huế xuống đường biểu tình phản đối hành động dã man của ngụy quyền, đòi chúng phải chấm dứt đàn áp, bồi thường nhân mạng.

    Ngày 12-01-1950, lễ tang Trần Văn Ơn được tổ chức trọng thể đã biến thành cuộc thị uy khổng lồ của 300 ngàn đồng bào thành phố tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Dẫn đầu cuộc biểu tình đưa tang Trần Văn Ơn là luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trần Đình Thảo, kỹ sư Lưu Văn Lang… và những người Pháp đấu tranh chống chiến tranh xâm lược như bà Phạm Ngọc Thạch, bà Hoàng Quốc Tân... Trước quan tài là hương án có hai câu đối với bằng máu của học sinh:

              “Chết vì Tổ quốc, chết mà sống mãi

              Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời”.


Đám tang Trần Văn Ơn  - Ảnh tư liệu.

    Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 09-01-1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam tháng 02 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09 tháng Giêng hằng năm làm Ngày truyền thống vẻ vang của học sinh, sinh viên./.

Quốc Hùng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 64
  • Hôm nay: 7093
  • Trong tuần: 77,800
  • Tất cả: 11,801,120